Diễn đàn Thương mại điện tử Xuyên biên giới (VOIEF) 2024: Cơ hội mới dành cho nguồn nhân lực Thương mại điện tử
Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2024 – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp Amazon Global Selling cùng khai mạc “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024”, tập trung vào việc cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.
Sự kiện do Amazon Global Selling phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức, được bảo trợ bởi Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông, với sự tham dự của đại diện đến từ Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số – thuộc Bộ Công thương, Vụ Kinh tế số và Xã hội số – thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và TMĐT.
Sự kiện cũng hân hạnh nhận được sự quan tâm và tham dự của Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VECOMNET).
Thông qua các phiên thảo luận cùng sự dẫn dắt của các chuyên gia đầu ngành, các nhà hoạch định chính sách, Diễn đàn vạch ra những định hướng chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hình thành lộ trình xây dựng một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ, các công cụ, giải pháp và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chuyển đổi số, tham gia xuất khẩu qua TMĐT, từ đó, mở ra con đường mới để các doanh nghiệp phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.
Thúc đẩy môi trường chính sách
Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và TMĐT xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung. Một trong những trọng tâm của Diễn đàn là yêu cầu thúc đẩy môi trường chính sách với nhiều hỗ trợ cho sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam.
Tại “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã trình bày Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030. Ngoài ra, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ định hướng chính sách thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến giai đoạn 2026-2030, cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong thời gian sắp tới. Một tọa đàm về chính sách năng động có sự tham gia của nhiều bên liên quan khác nhau, bao gồm cả đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cũng được diễn ra ngay sau đó. Cuộc thảo luận tập trung vào việc xây dựng và thúc đẩy các quy định, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài biên giới một cách liền mạch, hiệu quả, bền vững.
Mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu trực tuyến Việt Nam với các sáng kiến hợp lực
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Diễn đàn cũng tập hợp và cập nhật một loạt giải pháp, chương trình và sáng kiến chung tay do các đơn vị tiên phong trong ngành khởi xướng nhằm thúc đẩy thành công xuất khẩu TMĐT Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc ra mắt Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA) do VECOM thành lập, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến.
Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” là một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành và các bên liên quan để thống nhất tầm nhìn chung, huy động nguồn lực và thúc đẩy hợp tác, mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin đón nhận những cơ hội của kỷ nguyên thương mại điện tử toàn cầu, sẵn sàng vươn lên tầm cao mới.
VecomNet.